Gần như chẳng ai vay tiêu dùng đơn thuần (mua sắm) với mức lãi suất cao khủng khiếp như vậy

Lên mạng nếu đánh chữ “cho vay vốn” sẽ tìm được rất nhiều quảng cáo có sức hấp dẫn cho những người đang khát vốn như: “Không cần thế chấp tài sản, không cần bão lãnh, không cần công chứng giấy tờ, thủ tục nhanh chỉ trong một hoặc hai ngày, chỉ cần gọi điện người cho vay sẽ đến tận nơi...”.
Số tiền chào cho vay từ 10 triệu cho đến 50 tỉ đồng. Lãi suất phụ thuộc vào độ phức tạp và số tiền vay của hồ sơ, thời gian vay. Với mức tiền vay dưới 1 tỉ mà vay nóng trong khoảng 1 – 3 ngày thì lãi suất cực cao. Thậm chí phải trả đến 10.000 – 15.000 đồng cho 1 triệu đồng tiền vay. Với những món vay chục tỉ đồng trở lên thì lãi suất 40 – 50%/năm.
Gần như chẳng ai vay tiêu dùng đơn thuần (mua sắm) với mức lãi suất cao khủng khiếp như vậy. Trả nợ gấp; chi tiêu khẩn cấp; đáo hạn vay ngân hàng... là những lý do khiến nhiều người phải đi vay nóng. Sở dĩ người vay chịu được mức lãi suất cao như vậy vì đa phần chỉ vay gấp từ 3 – 10 ngày, dài lắm là một tháng. Địa chỉ đến vay là các tiệm cầm đồ, công ty tư vấn, công ty thương mại dịch vụ, cá nhân... Đối với những tổ chức/cá nhân cần vay những khoản tiền lớn hàng trăm triệu đồng trở lên thì thường có mối riêng (quen biết từ lâu) hoặc thông qua giới thiệu của các môi giới đến các ông/bà chủ cho vay nặng lãi. Hiện nhiều doanh nghiệp có vốn cũng tham gia cho vay nóng. Lãi suất vay giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp nếu hàng chục tỉ đồng cũng phải trên/dưới 40%/năm (gần gấp đôi lãi suất vay ngân hàng). Một phụ nữ cho vay nói bà ta không phải là người chuyên nghiệp, nhưng thấy lãi suất cao quá nên rủ bạn bè có vốn nhàn rỗi chung nhau đi cho vay.
Phần lớn quảng cáo cho vay không chính thức đều úp mở đến mối quan hệ với ngân hàng dưới các từ ngữ: “hỗ trợ/dịch vụ/giúp vay vốn ngân hàng; vay thế chấp sổ đỏ với lãi suất thấp, cho vay đáo hạn vay ngân hàng...” Có quảng cáo đề rõ “công ty chúng tôi có mối quan hệ tốt với trên 20 ngân hàng trong nội thành Hà Nội”.
Điều đáng chú ý là hiện nay trên mạng rất nhiều những người tự xưng là nhân viên tín dụng, nhân viên tài chính, nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên phòng tín dụng khách hàng cá nhân của các định chế tài chính (khi gọi điện được biết họ là nhân viên của các công ty tài chính độc lập hoặc của các ngân hàng). Hiện tượng này từ trước đến nay vẫn làm dấy lên nghi ngờ có sự liên thông/móc ngoặc nào đó giữa ngân hàng (theo tư cách tổ chức) hoặc một nhóm nhân viên của ngân hàng với các tổ chức/cá nhân cho vay chợ đen.
Cũng đang có thông tin cho rằng do bị hạn chế mức tăng trưởng dư nợ, đặc biệt là trước yêu cầu giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất nên một số ngân hàng tìm cách cho vay thông qua các công ty tài chính của chính họ. Không loại trừ khả năng các công ty này cho phép nhân viên của mình quảng cáo cho vay với tư cách cá nhân, khi đã thẩm định chắc chắn thì mới làm hồ sơ đứng tên công ty.
Theo luật Dân sự 2005 thì có thể hiểu việc các tổ chức/cá nhân cho vay lẫn nhau là quan hệ dân sự trong vay mượn tài sản (tài sản là tiền). Giá (ở đây là lãi suất) do các bên thỏa thuận hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên. Như vậy, đến nay việc cho vay tiền (không qua trung gian tài chính được cấp phép) vẫn được pháp luật thừa nhận.
Theo điều 476 của luật Dân sự thì các mức lãi suất cho vay hiện nay trên thị trường tín dụng chợ đen phải bị coi là hành vi cho vay nặng lãi “lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do ngân hàng Nhà nước công bố”. Nếu áp dụng điều 128 và 135 luật Dân sự thì hợp đồng vay/mượn tiền trong trường hợp vay chợ đen như hiện nay sẽ vô hiệu một phần (phần lãi suất). Đó là chưa kể những hậu quả khi quan hệ vay/mượn không thực hiện đúng cam kết.

No comments:

Post a Comment