Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5 trong 2 ngày 1-2/6 trong bối cảnh 5 tháng đầu năm, công tác chỉ đạo điều hành và đặc biệt việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP đạt được những kết quả bước đầu tích cực nhưng cũng còn nhiều khó khăn, không thể chủ quan, xem thường.
Những kết quả tích cực
Trong bối cảnh chung kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, nhiều quốc gia lạm phát cao, an ninh năng lượng, an ninh lương thực bị đe dọa, tình hình an ninh chính trị thế giới diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đánh giá tình hình phát triển KTXH 5 tháng đầu năm đã có những kết quả tích cực.
Những kết quả đó có thể thấy rõ trong bài toán ổn định kinh tế vĩ mô, với việc kiểm soát chặt chẽ tiền tệ, tăng trưởng tín dụng, quản lý được thị trường ngoại tệ, vàng, thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, giảm đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, giữ ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại tệ, đảm bảo tốt hơn cán cân thanh toán, cắt giảm đầu tư công mạnh mẽ, góp phần ổn định vĩ mô.
Bội chi NSNN được đảm bảo dưới 5% (nếu tính con số tuyệt đối mới ở mức 19% kế hoạch năm), CPI đang có chiều hướng giảm mạnh đà tăng, nhiều mặt hàng đang giảm giá; kim ngạch xuất khẩu tăng ấn tượng tới 32,8% với lượng hàng hóa XK tăng lên đáng kể (hơn 22%). Công tác an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, các chính sách mục tiêu, hỗ trợ lương thực cho người dân các vùng khó khăn được đẩy mạnh. Công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phòng chống tham nhũng tiếp tục có những kết quả tích cực.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý hàng loạt vấn đề nổi lên, đang là thách thức to lớn trong công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Đó là chỉ số lạm phát có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn cao; nhập siêu còn lớn, làm sao tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo đời sống người nghèo, thu nhập thấp, lao động phổ thông và các khu vực khó khăn.
Bài toán bao trùm lên tất cả là vừa phải mạnh mẽ cắt giảm đầu tư, bình ổn thị trường, kiểm soát tăng trưởng tín dụng, vừa đảm bảo tốc độ tăng trưởng, ổn định các cán cân vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Mục tiêu tăng trưởng 6%, kiềm chế CPI ở mức 15 %
Trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, Chính phủ tán thành với Hội đồng tài chính tiền tệ quốc gia về mục tiêu phát triển KTXH của năm 2011, trong đó phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6%, kiềm chế tăng chỉ số CPI ở mức khoảng 15%, giảm bội chi NSNN dưới 5%, nhập siêu không quá 16% kim ngạch XK, tiết kiệm chi 10%.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng cần “bám chặt”, coi đây là mục tiêu bao trùm để tập trung chỉ đạo, điều hành từ nay đến cuối năm.
Thủ tướng quán triệt các Bộ, ngành và địa phương tập trung vào 8 nhóm giải pháp ưu tiên.
Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ưu tiên cho sản xuất. Chú ý kiểm soát nợ xấu ngân hàng, nhất là nợ xấu liên quan tới bất động sản. Điều hành lãi suất theo mục tiêu kiềm chế CPI dưới 15%. Tiếp tục kiểm soát chặt và quản lý được tỷ giá ngoại tệ và vàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ với mục tiêu bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16%.
Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để thiếu hàng, ngăn chặn đầu cơ. Đặc biệt giá các mặt hàng thiết yếu, sản phẩm đầu vào của nền kinh tế điều hành theo nguyên tắc thị trường, điều chỉnh phù hợp với từng thời điểm, giai đoạn theo đúng mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
Thứ ba, điều hành các chính sách thu, chi NSNN theo hướng giảm bội chi, tiết kiệm chi thường xuyên, bên cạnh đó đảm bảo thực hiện an sinh xã hội.
Thứ tư, thực hiện kiểm soát, hạn chế nhập siêu, có các chính sách hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ.
Thứ năm, tiếp tục cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư công, tập trung vốn cho các dự án, công trình cấp bách, thiết yếu, trên cơ sở xem xét, giải quyết từng dự án cụ thể, ưu tiên dự án phục vụ sản xuất, an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, quốc phòng an ninh. Tiếp tục tháo gỡ thủ tục, tạo môi trường thu hút đầu tư nước ngoài.
Thứ sáu, quan tâm công tác an sinh xã hội, hỗ trợ tạo công ăn việc làm, xem xét tiếp tục cải cách tiền lương, các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng người nghèo, gia đình chính sách, sinh viên.
Thứ bảy, tăng cường công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc phòng.
Thứ tám, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận ở mọi cấp, mọi ngành nỗ lực vượt khó khăn, đạt mục tiêu đã đề ra, thông tin đầy đủ những vấn đề xã hội, dư luận quan tâm.
Cũng trong phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã nghe, thảo luận dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020; tổng kết Dự án 5 triệu ha rừng, Chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020; Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020…
No comments:
Post a Comment